Xu hướng hệ thống điện trên ô tô đang phát triển theo hướng điện tử hóa, tích hợp và thông minh. Làm thế nào để hệ thống này đáp ứng đủ hiệu suất ô tô theo nhu cầu tài xế. Tìm hiểu ngay cùng Xebiz.
Với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, con người ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với hiệu suất của ô tô. Điều này kéo theo hệ thống cơ khí truyền thống của ô tô khó có thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt theo quy định về tiết kiệm năng lượng, khí thải và an toàn của ô tô.
Chính vì vậy, hệ thống điện trên ô tô ngày càng vào đà phát triển theo hướng điện tử hóa, tích hợp và thông minh. Vậy hệ thống này gồm những chi tiết và có chức năng cần thiết như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết này.
1. Hệ thống điện trên ô tô là như thế nào?
Hệ thống điện trên ô tô được coi như là những mạch máu trong một cơ thể, nó là nơi truyền tải năng lượng và điều khiển cho các bộ phận của xe hoạt động một cách mượt mà và liên kết với nhau.
Hệ thống điện bao gồm nhiều bộ phận khác nhau hợp thành như: ắc quy, máy phát điện, bộ điều chỉnh và các thiết bị báo động (ampe kế, đèn…). Chức năng của hệ thống chính là cung cấp nguồn DC điện áp thấp cho các thiết bị điện của toàn bộ xe.
Xem thêm:
Động cơ ô tô: Cấu tạo, ý nghĩa thông số kỹ thuật xe ô tô
Các lỗi trên xe ô tô: 64 cảnh báo quan trọng lái xe cần biết
2. Hệ thống điện trên ô tô: hệ thống khởi động
Một trong những thành phần đầu tiên của hệ thống điện trên ô tô chính là hệ thống khởi động. Đây được coi là một thiết bị có vai trò rất quan trọng giúp động cơ trong xe có thể bắt đầu hoạt động.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống này rất đơn giản, nó dẫn động cho bánh đà quay để trục khuỷu đạt tốc độ khởi động cần thiết, lúc này xe có thể lăn bánh.
Cấu tạo của hệ thống khởi động gồm 06 phần như sau:
- Ắc quy
- Công tắc đánh lửa
- Rơ le khởi động
- Công tắc an toàn khởi động
- Động cơ khởi động
- Cáp pin
Các bộ phận có cấu tạo và chức năng nhiệm vụ khác nhau, tuy nhiên khi kết hợp lại sẽ tạo nên một hệ thống khởi động hoàn chỉnh.

3. Hệ thống điện trên ô tô: hệ thống đánh lửa
Hệ thống đánh lửa là một chi tiết quan trọng trong hệ thống điện của động cơ xe hơi hiện nay.
Hệ thống này bao gồm những bộ phận sau:
- Dây đánh lửa
- Bộ phân phối
- Bộ đánh lửa điện tử
- Bugi
- Công tắc đánh lửa
- …
Ở hệ thống này sẽ có hai chức năng chính: một là, tạo ra dòng điện để đốt cháy nhiên liệu và phóng điện ra để đánh lửa cho bugi. Hai là, biến đổi điện áp thấp thành điện áp cao, đồng thời đốt cháy hỗn hợp dễ cháy trong xi lanh một cách kịp thời.
Hiện nay, với sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp xe ô tô, người ta không ngừng tạo ra và phát triển nhiều loại hệ thống đánh lửa khác nhau. Điển hình trong đó là: hệ thống đánh lửa tiếp điểm, hệ thống đánh lửa kiểu bán dẫn, hệ thống đánh lửa lập trình v,v…
Trong một số trường hợp, nếu xe của bạn gặp những lỗi sau thì có lẽ hệ thống đánh lửa đã bị hỏng, cần kiểm tra ngay:
- Động cơ khởi động chậm
- Nhiên liệu bị tiêu hao đột ngột
- Bộ nguồn bị giảm hiệu suất
- Tốc độ của động cơ thay đổi thất thường
- Tia lửa có màu vàng và yếu do xăng không được đốt cháy hết
Để chuyến đi được diễn ra an toàn, bạn nên kiểm tra hệ thống đều đặn. Vì khi hệ thống đánh lửa gặp trục trặc sẽ ảnh hưởng đến quá trình khởi động và thay đổi tốc độ của xe.

4. Hệ thống điện trên ô tô: hệ thống chiếu sáng và tín hiệu
Hệ thống chiếu sáng và đèn tín hiệu là những thiết bị giúp cho người lái xe có thể nhìn thấy đường trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế. Đây là bộ phận rất quan trọng nằm trong hệ thống điện trên ô tô.
Nhiệm vụ chính của hệ thống chiếu sáng nhằm đảm bảo điều kiện phát ra ánh sáng tốt nhất cho người lái. Đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi thời tiết có sương mù dày đặc, sẽ giúp tránh các tai nạn không đáng có.
Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu của xe bao gồm: đèn pha, đèn sương mù, đèn định vị, đèn xi nhan, đèn phanh, đèn lùi, còi điện và các rơ-le cùng công tắc điều khiển của chúng.
Ngoài ra, ở một số dòng xe hiện đại còn tích hợp thêm những loại đèn chuyên dụng tùy vào mục đích của chủ xe như: đèn ở ghế xe, đèn trần xe, đèn cửa xe, đèn trong cốp xe…
Với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, nên hệ thống chiếu sáng cũng rất đa dạng các mẫu mã và chủng loại. Vì vậy, bạn nên lưu ý để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

5. Hệ thống điện trên ô tô: hệ thống báo động
Hệ thống điện trên ô tô tích hợp trong đó có hệ thống báo động. Đây được coi như là một hệ thống an toàn và hiệu quả có tác dụng bảo vệ xe của bạn trong các trường hợp bị mất trộm hoặc khi va chạm.
Hệ thống này được ra đời nhằm cảnh báo cho chủ xe biết được về sự xâm nhập của kẻ gian bằng hình thức phát ra các tín hiệu được lắp sẵn. Tùy vào dòng xe khác nhau mà hệ thống báo động cũng sẽ có nhiều khác biệt, tuy nhiên được sử dụng phổ biến nhất là loại dùng âm thanh cảnh báo hoặc loại dùng đèn tín hiệu cảnh báo.
Những hệ thống báo động này thường sẽ được lắp đặt sẵn trên xe khi bạn mua về. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng hoàn toàn có thể được lắp thêm vào do yêu cầu của chủ xe.
Vì đây là một trong những hệ thống điện trên ô tô, cho nên nó hoạt động dựa vào nguồn điện của xe. Khi xe được khởi động, hệ thống báo động cũng sẽ được mở, nó hoạt động theo nguyên lý lập trình có sẵn. Trong trường hợp kẻ gian có ý đồ xấu, muốn phá hay đột nhập xe, các thiết bị chuyển mạch sẽ được kích hoạt và phát ra lời cảnh báo qua còi xe hoặc đèn xe.
Đặc biệt, hệ thống này có thể được điều khiển từ xa, chỉ có chủ xe mới có thể tắt/bật hệ thống khi dùng khóa xe thông minh.

6. Các thiết bị điều khiển khác trong hệ thống điện trên ô tô
Ngoài các hệ thống điển hình được nêu ở trên, hệ thống điện trên ô tô còn bao gồm rất nhiều các thiết bị và hệ thống khác liên kết tạo thành một mạng lưới của xe.
- Hệ thống định vị: hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc nhận tín hiệu từ vệ tinh nhân tạo rồi xử lý và tính toán về hành trình, vị trí chính xác ô tô của bạn ở đâu. Các dòng xe hiện đại đều được lắp đặt hệ thống này trên xe để xác định vị trí của xe trong trường hợp bị trộm.
- Hệ thống điều hòa: là một phần quan trọng không thể thiếu trong hệ thống điện trên ô tô, hệ thống điều hòa hay còn được gọi là hệ thống điện lạnh. Nó hoạt động dựa vào nguyên lý biến đổi áp suất, nhiệt độ để tạo ra hơi lạnh, góp phần điều hòa không khí bên trong xe.
- Hệ thống gạt nước: để có được một tầm nhìn tốt nhất, hệ thống này là sự chuyển động qua lại của các cần gạt trên kính xe, nhằm loại bỏ nước trong trường hợp xe di chuyển trong thời tiết có mưa.
- Hệ thống hiển thị thông tin: đây là hệ thống hiển thị ở bảng điều khiển của xe, nằm ở sau vô lăng. Hệ thống hiển thị cho người lái biết các thông tin cơ bản của xe như: mức độ xăng, đèn cảnh báo, tốc độ di chuyển, vòng tua của máy, áp suất dầu…
Trên đây là bài viết chia sẻ về hệ thống điện trên ô tô, một trong những hệ thống cực kỳ quan trọng của xe. Hy vọng rằng, với vài phút ngắn ngủi, bài viết này đã mang đến cho các chủ xe thêm nhiều kiến thức để giữ gìn và bảo vệ chiếc xe của mình một cách an toàn. Xem thêm nhiều bài viết bổ ích khác về Bảo dưỡng xe trên chuyên trang Xebiz – kênh thông tin về xe dành riêng cho người Việt nhé.